Kết thúc điều tra vụ dùng súng bắn nhau ở TP Thanh Hóa
Các đối tượng trong vụ án.
Đến cuối tháng 5/2009, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã kết thúc điều tra vụ án sử dụng vũ khí quân dụng giết người, đề nghị VKS truy tố 5 đối tượng về các hành vi: giết người, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.
>> "Cậu ấm" của chủ vũ trường và băng "đâm thuê chém mướn"
Thành công của chuyên án không chỉ là việc bắt và kêu gọi ra đầu thú tất cả các đối tượng gây án, thu hồi toàn bộ vũ khí và tang vật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân... mà còn triệt xoá thêm 4 ổ nhóm tội phạm khác, hoạt động có tổ chức theo kiểu "xã hội đen", bắt tạm giam trên 20 đối tượng cộm cán. Đồng thời, đã điều tra, làm rõ trên 10 vụ án do các băng, nhóm tội phạm này gây ra trước đây trên địa bàn.
Vụ nổ súng làm 1 người chết, 4 người bị thương
Như Báo CAND đã thông tin, khoảng 23h30' ngày 30/6/2008 tại đường Lê Hoàn, phường Điện Biên và ngã tư Nguyễn Mộng Tuân, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, xảy ra vụ án một số đối tượng đi xe máy, bịt mặt, dùng súng quân dụng bắn chết 1 người và bị thương nặng 4 người khác. Sau khi gây, án các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra trên địa bàn Thanh Hóa ảnh hưởng không tốt đến ANTT và gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Trước vô vàn khó khăn trong công tác điều tra, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo "mở nút" bằng việc vận động bị hại. Để làm được điều này, các ĐTV đã không quản ngày đêm vào bệnh viện động viên, chăm sóc các bị hại, đưa đón họ mỗi khi những người này cần di chuyển, thậm chí anh em đã bỏ tiền túi ra mua quà để thăm hỏi, chia sẻ với những lo lắng của những người bị thương và bạn bè, đồng bọn họ. Cảm động trước sự nhiệt thành của các cán bộ điều tra, một số người trong nhóm bị hại đã bắt đầu khai báo mâu thuẫn.
Từ lời khai này, cơ quan chức năng đã bắt đầu khoanh vùng được đối tượng gây án trong đó nổi lên nhóm đối tượng do Lê Khắc Cường (Cường Trưởng), 27 tuổi, trú tại Lô 11 - 12 khu Đông Bắc Ga, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cầm đầu. Đến ngày 1/8/2008, Phòng PC14 đã có đủ tài liệu chứng cứ khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Lê Khắc Cường về hành vi giết người - tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Qua công tác điều tra, Ban chuyên án được biết Lê Khắc Cường đang lẩn trốn tại TP HCM và chuẩn bị vượt biên trốn ra nước ngoài. Ngay lập tức, Thượng tá Lê Trọng Dinh, Trưởng phòng PC14 đã tự ứng tiền cho anh em, cử ngay một tổ công tác do Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó phòng dẫn đầu vào TP HCM, phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng của Công an thành phố tổ chức vây bắt Lê Khắc Cường. Công tác truy bắt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau hai ngày tổ công tác đã bắt được Lê Khắc Cường khi hắn đang tiếp tục thay đổi nơi lẩn tránh.
Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã có đủ chứng cứ để ra lệnh bắt đối với đồng bọn của Cường gồm: Lê Thanh Hợp (tức Hợp Cán), 33 tuổi, ở 03/112 Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa; Nguyễn Xuân Hòa (Hòa Thân), 22 tuổi, ở Lô 92 Khu liên kế Đông Phát, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa; Nguyễn Thế Việt (Việt còi), 25 tuổi, Bào Ngoại, Đông Hương, TP Thanh Hóa. Lực lượng chức năng đã bắt giữ được Lê Thanh Hợp khi hắn đang chuẩn bị bỏ trốn đồng thời động viên Nguyễn Thế Việt và Nguyễn Xuân Hòa ra đầu thú.
Đấu tranh với "trùm côn đồ"
Với kinh nghiệm của người làm điều tra lâu năm, Trưởng phòng Lê Trọng Dinh đã quyết định chọn Lê Thanh Hợp để "mở nút". Trong băng nhóm do Cường Trưởng cầm đầu, thì Lê Thanh Hợp được coi là "cấp phó". Trong khi Cường Trưởng là "dân gốc" ở TP Thanh Hóa, nổi danh từ sự giàu có, liều lĩnh và mưu mẹo thì Hợp Cán được mọi người biết đến với sự tàn ác. Cường Trưởng được coi là "thủ mưu" còn Hợp Cán được đồng bọn coi là "thủ ác". Là đối tượng trực tiếp cầm súng bắn chết người nên khi bị bắt, Hợp nhất quyết không khai báo mà còn thách thức cơ quan điều tra, có lúc đập đầu vào tường để doạ tự sát.
Với kinh nghiệm của người làm điều tra lâu năm, Thượng tá Dinh đã trực tiếp gặp Hợp, phân tích lẽ đúng sai. Hôm đầu, Hợp không nói gì. Hôm sau, khi thấy anh Dinh nói chuyện về con trai, Hợp rơm rớm nước mắt. Biết hoàn cảnh Hợp khó khăn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị cho vợ Hợp được tha tù trước thời hạn gần 1 năm để chăm sóc con. Cảm động trước tình cảm của các cán bộ Công an, Lê Thanh Hợp đã nhận tội và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội, đồng thời Hợp đã viết thư kêu gọi tên Lê Khắc Cường cầm đầu tổ chức khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của bọn chúng để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Nguyên nhân của vụ trả thù đẫm máu
Theo lời khai của các đối tượng thì khoảng 13h ngày 29/6/2008, chị Nguyễn Thị Trang, ở 68 đường Trường Thi, TP Thanh Hoá đến nhà anh Lê Đình Thắng, ở số nhà 260 đường Lê Lai, P. Đông Sơn để lấy nợ 300.0000đ tiền đánh lô đề.Hai bên xảy ra sô sát. Chị Trang về nhờ Phùng Văn Quyền, 23 tuổi (Quyền Béo), ở SN 48 Trường Thi xuống đe dọa anh Thắng để lấy nợ... Anh Thắng về nghe được sự việc nên gọi điện cho anh Lê Đình Chiến, 34 tuổi, ở Mật Sơn 2, P. Đông Vệ hiện đang là công nhân khu công nghiệp Nghi Sơn nhờ Chiến can thiệp. Lê Đình Chiến điện nhờ Nguyễn Công Duy (Ba Duy), 22 tuổi, ở phường Đông Vệ, là đối tượng đại ca, đầu gấu, mục đích nhờ Duy.
Tang vật gây án.
Khoảng 20h ngày 30/6/2008, Nguyễn Công Duy đến nhà anh Thắng gặp Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Khắc Tiến đang ở quán nhà anh Thắng. Do bản chất côn đồ, Nguyễn Công Duy gây gổ với nhóm của Toàn nên Duy gọi điện cho Nguyễn Đình Hiệp, Nguyễn Thế Hiếu, Nguyễn Hữu Trung đến. Bọn Duy dùng dao, điếu cày đánh nhóm của Toàn chạy tán loạn. Sau đó Nguyễn Công Duy cùng đồng bọn quay về trung tâm thành phố.
Ngay sau đó, Toàn gọi điện cho các tên: Nguyễn Xuân Chiến (Chiếp bẹp), Phạm Văn Huy (Bi lắc), Nguyễn Hữu Vinh (Em bé), Bùi Cao Cường (Cường Cao), Ngô Như Hòa (Hòa Hát), Lê Văn Ninh (Ninh Sẹo), Trần Văn Hạnh (Mậm), Nguyễn Triều Phương (Phương cu Tý). Tất cả tập hợp lại mang theo dao, kiếm, tuýp nước đi tìm nhóm Ba Duy để trả thù. Trên đường đi, Nguyễn Đức Toàn và Nguyễn Triều Phương quay về còn lại 11 tên đi 4 xe máy do Nguyễn Khắc Tiến và Bùi Cao Cường cầm đầu đi dọc theo các đường phố tìm nhóm Ba Duy để đánh trả thù.
Khoảng 22h30' cùng ngày, bọn chúng đang đi trên đường Lê Hoàn, thuộc phường Điện Biên, Bùi Cao Cường (Cường Cao) phát hiện Lê Khắc Cường (Cường Trưởng) nên khi thấy Cường Trưởng, Bùi Cao Cường cùng đồng bọn quay xe đuổi theo. Bị đuổi, Lê Khắc Cường tăng tốc độ và chạy thoát... Biết Ba Duy và đồng bọn đang ở khu vực cầu Sâng thuộc phường Nam Ngạn nên Nguyễn Khắc Tiến đã hẹn Ba Duy chờ đó để đánh nhau.
Khoảng 23h15', sau khi Lê Khắc Cường (Cường Trưởng) bị nhóm của Nguyễn Khắc Tiến và Bùi Cao Cường (Cường Cao) dượt đuổi, Lê Khắc Cường quay về nhà gọi điện cho các tên: Nguyễn Xuân Hoà (Hoà Thân); Nguyễn Thế Việt (Việt còi), Lê Thanh Hợp (Hợp Cán) đến nhà để bàn cách trả thù. Lê Khắc Cường vào nhà lấy một khẩu súng AK kèm theo một băng đạn đưa cho Lê Thanh Hợp và hướng dẫn cách sử dụng, còn Lê Khắc Cường sử dụng một khẩu súng K54.
Bọn chúng đi bằng hai xe mô tô, đầu đội mũ lưỡi trai, mặt đeo khẩu trang, mặc quần áo màu tối để tránh sự phát hiện. Khi đến trước số nhà 68, đường Lê Hoàn, P.Điện Biên, TP Thanh Hóa, bọn chúng phát hiện nhóm của Tiến và Cường đang đi ngược chiều. Lê Khắc Cường rút súng K54 đứng nhổm lên bắn vào nhóm của Bùi Cao Cường một phát, Lê Thanh Hợp cũng đứng nhổm dậy dùng súng AK bắn luôn hai phát. Hậu quả Ngô Như Hoà (Hoà Hát) và Nguyễn Xuân Chiến (Chiến bẹp) bị thương vào cẳng chân.
Sau khi bị bắn, nhóm của Bùi Cao Cường chạy tán loạn, bọn Lê Khắc Cường tiếp tục dùng súng bắn đuổi theo. Đến trước cổng Trường Trần Mai Ninh, nhóm của Lê Khắc Cường phát hiện: Đồng bọn của Nguyễn Khắc Tiến gồm Lê Anh Cường (Cường Cự), Mai Xuân Tài (Tài đất), Nguyễn Trọng Hoà (Hoà Khoai) ngồi một xe máy đi ngược chiều, nên Lê Khắc Cường và Lê Thanh Hợp dùng súng bắn nhiều phát về phía họ nhưng không có ai bị trúng đạn.
Sau đó, bọn Lê Khắc Cường chạy đến ngã tư đường Nguyễn Mộng Tuân, gặp băng nhóm của Ba Duy, gồm: Nguyễn Đức Tuyên, Nguyễn Đình Hiệp và Nguyễn Hữu Trung đang chờ sẵn dùng dao kiếm và vỏ chai bia để đánh nhau với nhóm của Nguyễn Khắc Tiến và Bùi Cao Cường. Nguyễn Công Duy cùng đồng bọn tưởng nhầm là nhóm của Nguyễn Khắc Tiến và Bùi Cao Cường đến, nên đã dùng vỏ chai bia ném về phía Lê Khắc Cường. Lúc này, Lê Khắc Cường và Lê Thanh Hợp nhảy xuống dùng súng bắn xối xả về nhóm của Nguyễn Công Duy. Hậu quả: Phạm Đức Tuyên chết ngay tại chỗ, Nguyễn Thế Hiếu và Nguyễn Đình Hiệp bị thương. Sau đó bọn chúng chạy về phía bờ đê làng Nam Ngạn...
Từ vụ án này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra mở rộng, triệt xoá thêm 4 ổ nhóm tội phạm khác, hoạt động có tổ chức theo kiểu "xã hội đen", bắt tạm giam trên 20 đối tượng cộm cán, đồng thời phục hồi điều tra hơn 10 vụ án. Vụ án này được coi là một trong những thắng lợi lớn nhất của Công an tỉnh Thanh Hóa.
Kết thúc chuyên án, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Phòng PC14 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Trưởng phòng PC14 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều cá nhân khác được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công và các các ngành, các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen