(Dân trí) - Được động thổ từ năm 2003 với tổng vốn
đầu tư gần 6.400 tỷ đồng, trên diện tích 55,8ha, Dự án Nhà máy Giấy và
bột giấy xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đến nay vẫn chỉ là bãi
đất trống, gây thiệt hại lớn cho người dân sống gần đó.
Quy hoạch đất để... thả bòSau hơn 8 năm kể từ khi khởi công dự án, đến thời điểm này, gần 60ha
đất đã được quy hoạch vẫn chỉ là một bãi đất bằng hoang vu, trơ trọi nằm
gọn trên ngọn đồi của xã Châu Lộc. Dự án Nhà mấy Giấy và bột giấy xã Châu Lộc được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt tại Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 01/10/2002; Quyết định số
223/2003 QĐ- TTg ngày 03/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án
đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy Giấy và bột giấy Thanh
Hóa.
Hàng chục ha đất dự án được quy hoạch để... chăn bò Dự án do Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn ban đầu
là 6.343 tỷ đồng, trên diện tích đất là 55,8ha và thời gian thầu là 50
năm. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng, dự án nhanh chóng được giải
phóng mặt bằng và động thổ vào tháng 3/2003. Nhưng đã gần 9 năm trôi
qua, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Ngày 28/3/2008, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2000VP-CN thông
báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đồng ý
cho Tổng công ty Giấy Việt Nam thành lập Công ty Cổ phần để thực hiện Dự
án giấy Thanh Hóa.
Ngày 19/3/2010, Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần giấy Thanh Hóa đã
nhất trí thông qua phương án chuyển giao Dự án giấy Thanh Hóa từ Tổng
công ty Giấy Việt Nam sang Công ty Cổ phần giấy Thanh Hóa và nâng vốn
điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 966 tỷ đồng.
Theo thiết kế, Nhà máy Giấy Châu Lộc có công suất 100 tấn bột giấy/năm; giấy đạt 180 tấn/năm. Sau khi xem xét và kiểm tra, ngày 02/03/2011 UBND tỉnh Thanh Hóa đã
có công văn đề nghị Công ty Cổ phần giấy Thanh Hóa nghiên cứu kỹ biện
pháp xử lý môi trường, hoặc lựa chọn vị trí khác để đặt nhà máy nhằm
thuận lợi cho vấn đề xử lý môi trường và sản xuất.
Tiếp nhận ý kiến trên, UBND huyện Hậu Lộc đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế
hoạch và Đầu tư lựa chọn vị trí khác để xây dựng Nhà máy sản xuất giấy
và bột giấy, còn vị trí xã Châu Lộc sẽ đầu tư xây dựng dự án khác phù
hợp, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Con đường bê tông bị đất cát phủ kín mặt đường
Ông Tạ Chí Thuông, Trưởng phòng Công thương huyện Hậu Lộc nói: “Nhà
máy Giấy và bột giấy xã Châu Lộc được thực hiện là một cơ hội để nâng
cao đời sống, thu nhập cho người dân nơi đây, đồng thời thu mua được
nguồn nguyên liệu tận nơi. Nhưng nếu không xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi
trường sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước trên con sông Lèn, nối liền với huyện
Nga Sơn, Hà Trung, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy hải sản tại các
huyện trên. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được thay thế bằng dự án khác ít
ô nhiễm môi trường hơn”.
Khốn khổ vì “dự án treo” Từ khi biết có dự án được xây dựng trên địa bàn xã, những tưởng Nhà
máy Giấy khi đi vào hoạt động sẽ giúp đời sống kinh tế được cải thiện,
tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương nên người dân rất đồng tình
ủng hộ. Nhưng gần 9 năm nay, dự án vẫn nằm trên giấy. Còn hàng chục héc
ta đất canh tác của người dân bị thu hồi rồi bỏ hoang; người dân không
có nghề nghiệp lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp hàng loạt, nhiều thanh
niên trai tráng trong làng phải rời địa phương đi làm ăn xa.Chị Nguyễn Thị Lưu bức xúc: “Theo sự giới thiệu của xã, tôi cùng
nhiều con em trong xã đi học lớp công nghệ giấy Bãi Bằng để về làm công
nhân tại Nhà máy giấy Châu Lộc. Học xong nhưng nhà máy vẫn chưa xây
dựng, chúng tôi lại chịu cảnh thất nghiệp. Giờ tôi đang mở quan bán gas
để nuôi thân”.
Không những thế, vào mùa mưa bão, những ụ đất được đào lên trong
quá trình thi công dự án bồi xuống, lấp đầy hệ thống thoát nước và diện
tích đất canh tác của người dân thôn Tam Phong 1 và Châu Tử 2, khiến
nước ứ đọng, chảy vào nhà dân và ngập úng hơn nhiều diện tích.
Dự án Nhà máy Giấy vẫn nằm trên giấy
“Nhà tôi có ít diện tích đất trồng cây Sở gần Dự án nhà máy giấy,
nhưng đất đá lấp xuống nhiều nên đã làm chết một số cây. Đã thế, cứ
chiều chiều có gió to, toàn bộ đất cát, bụi bẩn theo gió bay xuống khắp
các gia đình sống quanh khu dự án. Cứ hít bụi thế này, nhà máy chưa xây
dựng xong thì chúng tôi đã chết vì bụi bẩn rồi”, anh Ngọc, người dân
thôn Châu Tử bức xúc.
Trời nắng thì bụi bẩn, mưa gió thì lòng đường ngập nước, đất đá cũng
theo đó chảy xuống, lấp toàn bộ con đường bê tông dài 1km của gần 20 hộ
dân thôn Châu Tử 2.Anh La Đình Cường, người dân thôn Châu Tử phàn nàn: “Đóng góp mãi
mới xây dựng được con đường bê tông, giờ bị đất cát của Dự án Nhà máy
giấy tràn xuống lòng đường làm lấp toàn bộ mặt con đường, làm cho việc
đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn lắm. Phải làm sao để sớm giải
quyết tình trạng này đi chứ cứ như thế này thì chịu làm sao được”.
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND huyện Hậu Lộc về vấn đề tác
động đến môi trường của Dự án Nhà máy Giấy là rất lớn. Nếu nhà máy đi
vào hoạt động, các chất thải sẽ ảnh hưởng đến một vùng dân cư tương đối
rộng. Khi nguyên liệu được vận chuyển tập kết trên sông Lèn và nước thải
của nhà máy sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước toàn bộ khu vực sông
Lèn. Trong đó nguồn nước sông Lèn đóng vai trò quan trọng không chỉ với
huyện Hậu Lộc mà cả huyện Nga Sơn, Hà Trung.
Nhiều hộ dân tỏ ra lo lắng trước Dự án Nhà máy Giấy Châu lộc
Ông Lê Bá Trân, chủ tịch UBND xã Châu Lộc cho biết: “Sau khi biết
có Dự án Nhà máy Giấy sẽ xây dựng tại địa bàn xã, chúng tôi đã cử khoảng
50 - 60 lao động đi học lớp công nghệ giấy Bãi Bằng về để phục vụ cho
nhà máy. Nhưng, gần 9 năm nay, dự án vẫn chỉ trên văn bản, khiến hàng
trăm lao động trên địa bàn xã bị thất nghiệp. Đã thế, đất đai không còn,
nguồn thu nhập của người dân bị giảm xuống đáng kể. Cũng từ đó, nhiều
người phải bỏ đi làm ăn xa. Hiện nay, quan điểm chung của người dân và
chính quyền địa phương là nếu Công ty Cổ phần giấy Thanh Hóa cứ trì trệ
như thế này thì Chính phủ nên thu hồi để chuyển sang dự án khác, giúp
người dân sớm có công ăn, việc làm, nâng cao đời sống”.