Trang phục - nét đặc trưng trong văn hóa TháiNgười Thái sinh sống chủ yếu ở miền Tây Bắc và tây Thanh Hóa-Nghệ An.
Dân tộc Thái có truyền thống văn hóa lâu đời và rất đa dạng. Trang phục
là một trong những nét tiêu biểu của sắc thái độc đáo của văn hóa Thái.
Dịu dàng những cô gái Thái
Để tạo ra một bộ y phục Thái, không chỉ là công sức trồng bông, chăn
tằm, dệt vải, nhuộm màu, cắt may, thêu, người Thái còn phải giỏi nghề
kim hoàn tạo ra các đồ trang sức đeo trên người như vòng cổ, vòng tay,
hoa tai, trâm, xà tích, cúc bạc...
Khuyên tai của dân tộc Thái đen
Cũng như nhiều dân tộc khác, trang phục của phụ nữ Thái thể hiện rõ nhất
bản sắc văn hóa dân tộc. Một bộ trang phục nữ Thái gồm: áo ngắn (xửa
cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm),
khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ,
vòng tay, xà tích..
Xửa cỏm (áo ngắn bó sát người có hàng cúc bướm) có thể may bằng nhiều
loại vải với màu sắc khác nhau. Chính hàng khuy bạc hay kim loại đã làm
cho xửa cỏm thành chiếc áo đặc trưng của bộ nữ phục Thái. Theo quan
niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo xửa cỏm là tượng
trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống.
Phụ nữ Thái còn mặc hai loại áo dài là xửa chái và xửa luổng. Xửa chái
may bằng vải chàm đen, kiểu áo 5 thân, cài cúc phía bên tay trái, cổ
đứng, gấu áo phủ quá đầu gối. Theo tục lệ, phụ nữ có chồng mới mặc xửa
chải vào dịp cưới xin, hội hè. Xửa luổng là áo khoác ngoài, may dài,
rộng, chui đầu, có tay hoặc không có tay. Phụ nữ Thái từ khi còn trẻ đã
may loại áo này, một dành cho bản thân khi về già và một dành biếu mẹ
chồng khi về làm dâu. Các cụ già mặc áo xửa luổng lộn trái vào ngày
thường, chỉ khi chết mới mặc mặt phải.
Trang phục của người Thái trắng
Dân tộc Thái Đen
Váy (xỉn) cùng với xửa cỏm tạo nên dáng nét chính của bộ nữ phục Thái.
Phụ nữ Thái mặc váy hai lớp: váy trắng lót bên trong và và váy chàm mặc
ngoài.
Thắt lưng (xài ẻo) làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh lam hoặc tím xẫm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng.
Nói về bộ trang phục nữ Thái không thể thiếu chiếc khăn piêu. Chiếc khăn
piêu được các cô gái Thái thêu thùa rất cầu kì, nó thể hiện sự khéo
léo của mỗi cô gái. Piêu tết 3 sừng là piêu thường dùng, piêu tết 5 hay
7 sừng là piêu sang, dùng làm quà biếu, đội lúc bản mường có hội hè,
cưới xin. Khăn Piêu là đặc trưng của người dân tộc Thái với đường nét
tinh sảo và hoa văn mang đậm chất núi rừng hoang sơ cùng màu sắc sặc
sỡ, nó thể hiện tình yêu, sức mạnh nữ tính thật quyến rũ.
chiếc khăn piêu của người thái
So với nữ thì nam phục Thái đơn giản hơn, ít chứa đựng sắc thái tộc
người và cũng biến đổi nhanh hơn. Trang phục nam giới gồm: áo, quần,
thắt lưng và các loại khăn.
Áo nam giới có hai loại, áo cánh ngắn và áo dài. Áo ngắn may bằng vải
chàm, kiểu xẻ ngực, tay dài hoặc ngắn, cổ tròn. Khuy áo làm bằng đồng
hay tết thành nút vải. Áo không có trang trí hoa văn chỉ trong dịp trang
trọng người ta mới thấy nam giới Thái mặc tấm áo cánh ngắn mới, lấp ló
đôi quả chì (mak may) ở đầu đường xẻ tà hai bên hông áo...
Trang phục Thái phản ánh rõ nét đặc điểm của cư dân nông nghiệp trồng
trọt, sự chinh phục, tìm tòi các nguyên liệu trong thiên nhiên để tạo ra
trang phục đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống. Trang phục vượt qua cả giá
trị vật chất thuần túy của nó thể hiện lối sống, quan niệm thẩm mỹ, đạo
đức, tư tưởng xã hội, tín ngưỡng... Trang phục là sự phát triển rất cao
của trình độ thẩm mỹ dân gian, các hoa văn được tạo hình độc đáo, xử
lý màu sắc tinh tế, hài hòa mang đặc trưng tộc người khiến trang phục
người Thái ở bất cứ nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng. Nó phản ánh mối quan
hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng bào Thái nơi đây đã đưa
vào trang phục của mình những hoa văn là cả một thế giới động, thực vật
phong phú. Do xen kẽ của các nhóm Thái khác nhau mà trang phục của họ
phần nào cũng thể hiện ảnh hưởng của nhau. Nhưng tất cả họ đều rất tự
hào về bản sắc riêng của mình và không ngừng bảo tồn, phát huy, phát
triển những giá trị văn hóa truyền thống tộc người. Góp phần xây dựng
nền văn hóa Việt Nam Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.