Nhà sàn truyền thống ở xứ Thanh chủ yếu là của dân tộc Thái và Mường,
sinh sống tại các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Xuân,
Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh,
Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy.
Ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Thái ở bản Hang, xã Phú Lệ, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: An Bình
Nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái, Mường biểu hiện những nét
riêng, chẳng hạn, số bậc cầu thang của nhà sàn truyền thống bắt buộc
phải là số lẻ (5,7,9,11). Tổng số cửa ra, vào và cửa sổ của nhà sàn cũng
phải là số lẻ. Bởi người Thái, Mường quan niệm rằng số lẻ theo quy luật
vào – ra – vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình sẽ luôn được
êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt… Tùy theo quy mô lớn hay nhỏ của nhà
sàn mà số lượng các cửa trong nhà sàn ít hay nhiều. Nhà sàn truyền thống
bao giờ cũng có hai cầu thang. Cầu thang phía trước thường dành cho
khách, những người đàn ông đi lên nhà; còn cầu thang phía sau dành cho
phụ nữ trong gia đình.
Nhà sàn thường là nơi sinh sống của một gia đình gồm nhiều thế hệ.
Gian thứ 2 của nhà sàn là gian quan trọng nhất, là nơi để lập bàn thờ và
cho người cao tuổi trong gia đình nghỉ ngơi. Nhà sàn của người Thái,
Mường thường làm bằng những tấm gỗ tốt, vuông vắn. Trước kia mái lợp nhà
sàn là cỏ tranh hay lá cọ, lá kè; nay có thể thay bằng ngói, tấm lợp
công nghiệp. Mỗi khi có gia đình làm nhà thì các hộ trong bản tập trung
đến cùng làm, góp nguyên liệu. Gia đình chủ nhà làm gà, heo, mời cơm cả
bản cùng ăn.
Một ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái, Mường thường là 3 gian
trở lên. Nhà sàn của người Thái thì xà ngang đè lên xà dọc; nhà sàn của
người Mường thì ngược lại. Việc dựng nhà sàn phải chọn ngày khởi công.
Bếp nấu được làm ngay ở góc cuối gần cầu thang phía sau của nhà sàn. Mái
lợp bằng cỏ tranh, kè hay cọ thì thời gian sử dụng từ bốn năm trở lên,
bởi khói bếp bám vào mái lợp tạo nên một độ bền cho mái nhà. Để tạo độ
bóng, mát cho sàn nhà thì phải lựa chọn những cây luồng dài, già qua quá
trình xử lý truyền thống của đồng bào. Sàn nhà cách mặt đất chừng hơn 2
m. Điểm khác biệt có thể nhìn thấy từ phía ngoài của nhà sàn người Thái
và người Mường chính là mái nhà. Mái nhà của người Mường thường có độ
dốc hơn nhà của người Thái. Nếu bạn là khách đến thăm nhà sàn của đồng
bào Thái thì hãy để ý gia chủ mời bạn ngồi ở đâu. Ngôi nhà sàn vốn đơn
sơ, nhưng từng góc cửa sổ, hướng ngồi biểu hiện nếp văn hóa đặc trưng
riêng của đồng bào Thái, Mường.
Văn hóa nhà sàn là một trong những bản sắc nổi bật của đồng bào miền
núi xứ Thanh. Vì vậy, việc gìn giữ, khôi phục những ngôi nhà sàn truyền
thống trước hết thuộc về các chủ nhân đang sống trong những ngôi nhà ấy.
Một
ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường được làm bằng gỗ,
lợp mái kè của người dân ở xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).
Ảnh: An Bình
Ngôi
nhà sàn truyền thống dân tộc Thái được xây dựng tại trường THCS dân tộc
nội trú huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: An Bình
Những
ngôi nhà sàn xinh xắn mô phỏng nhà sàn truyền thống dân tộc Thái được
làm bằng cột bê tông, lợp ngói tại "Làng học sinh" ở thị trấn huyện vùng
cao Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: An Bình
Một
ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường được làm bằng gỗ,
lợp ngói ở xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: An Bình